22/3/13

Lưu Trọng Lư - ĐỌC " THƠ -THƠ " CỦA XUÂN DIỆU

 

Lưu Trọng Lư

 

 Hơn 70  năm trưóc trong số báo đầu tiên của Tạp chí Tao Đàn được đánh giá là "tạp chí văn chương hay nhất thế kỷ 20 của Việt Nam"  do Thạch Lam và Lưu Trọng Lư làm thư ký tòa soạn, số ra ngày 1/3/1939 đã in bài ”ĐỌC THƠ THƠ CỦA XUÂN DIỆU ” . Đây là lần đầu tiên thơ Xuân Diệu bị .. chê , mà người chê chính là Lưu Trọng Lư người cùng Thế Lữ khởi xướng ra phong trào “ thơ mới “ . Để biết thêm không khí phê bình văn chương trên báo chí thời đó ,   xin giới thiệu nguyên văn bài viết trên .

Tao Đàn số 1 ngày 1/ 3/ 1939 
ĐỌC THƠ THƠ CỦA XUÂN DIỆU 
( Thư cho em gái )

Em C. D
Anh vừa đọc xong một cuốn thơ. Anh cầm bút biên thơ này cho em, tay anh còn run. Trong những lúc như lúc này, anh không thể không viết thư cho em. Mà cũng không lúc nào như lúc này, anh thấy mình ngập- ngừng, ái- ngại trước một trang giấy trắng, tâm hồn anh như cây hổ ngươi, sau một vái đụng nhẹ chụm lại rồi mở ra còn thẹn – thùng, còn e-lệ…Trong lúc này, anh thấy một câu mình viết, một lời mình nói sẽ nghiêm trọng một cách lạ thường. Ta không có quyền xem khinh một điều gì, phung phí một điều gì em ạ! Văn-thơ đã sáp nhập vào trong tâm- hồn ta và kỳ diệu ! Nó đã làm cho ta trở nên một người khác.
Ta có cảm tưởng là cuộc đời chung quanh ta và trong ta, bay bổng thêm, nghiêm- trọng hơn, lan rộng ra .. Và trong một lúc, ta muốn sống tất cả những cuộc đời của người khác, lún mình trong thâm-tâm của vạn vật. Ta có một cái ngạc- nhiên thú- vị , và một cái khoái- trá không cùng về sự được sống ở đời vì đã được đọc một cuốn thơ hay một cuốn văn.
Đời đối với anh lúc này đẹp quá và đáng sống vô cùng. Anh không muốn đổi cái khoảnh- khắc ấy, dù để lấy tất cả ngọc vàng trong cung điện. Anh không thể “quan- niệm “ một cuộc đời không có văn - thơ, cũng như một vũ- trụ không có ánh trăng xanh dịu. Một cuốn thơ ra đời mang lại cho ta một nguồn phong- phú những tình đẹp, ý cao.
Em hãy tưởng tượng từ bé em không được đọc câu thơ nào . Đời em sẽ nghèo –nàn một cách thảm hại. Và em không thể soi mình trong gương mà không ngượng- nghịu. Nhưng anh hiểu người em gái của anh nhiều lắm . Đã hơn một lần, em tỏ ra rằng em yêu mến văn-thơ ngang với cuộc đời.
Hôm nay gửi cho em cuốn “ Thơ -Thơ “ không phải là anh chỉ gửi cho em một bó hoa. Hoa chỉ là hoa . Nhưng thơ không phải chỉ là thơ mà thôi. Thơ còn là “ người “ nữa . Anh gửi em một tâm- hồn. Anh gửi em một người . Một người đã sống . Môt người biết sống . Nhưng hơi tiếc một chút, tâm-hồn ấy đã sống theo kiểu một người phương Tây . Đó không phải là lỗi một người mà là lỗi cả một thời -đại. Anh nhớ một lần đã nói với em hoài bão
tha thiết của anh là được một ngày kia trông thấy một thi nhân Việt- Nam xuất hiện từ ở trong cái sốt dẻo, cái cùng sâu của tâm hồn Việt Nam, giữa cái hương vị say sưa của đồng lúa chiêm , bên cạnh những người đàn bà phủ ở trong sồi , trong nái những người đàn bà chân-thực và mộc mạc, đã ru cả một thời đại , cả một dĩ vãng Việt-Nam ru bằng tiếng hát bên đồi khi cắt cỏ , hay bằng tiếng hát bên nôi , khi gấp xuống cái “ Hậu-lai” của xứ sở.

Xuân Diệu không phải là hạng thi nhân ấy. Xuân Diệu từ phương xa lại. Quê hương của người ấy phải là trên bờ sông Seine , trước cửa sổ của chàng là những hàng “ô liu” trắng những tuyết . Chàng ấy đã mang lại cho ta một cuộc đời mới . Chàng đã đến với sự bồng bột, mảnh liệt của người xứ lạnh, một người phải cần cù, phải siêng năng để sống và để thắng. Chàng đã làm cuộc sống thành một đạo- giáo để tôn thờ, để tin yêu, để say sưa, để đắm đuối. Chàng là một tâm hồn tha thiết, một tâm hồn đã nhuần tắm trong những luồn tư tưởng sáng lạn , tưng bừng của Andre Gide hay Oscar Wilde.
Một hôm đọc những bài thơ của Xuân Diệu đăng trên báo Ngày nay, một người bạn đã hạ một câu cụt ngủn : “ Thơ Xuân Diệu “ tây quá “. Câu ấy bạn anh nói với một cái bĩu môi. Anh cũng nhận thế nhưng có chỗ muốn nghĩ khác : “ Thơ Xuân Diệu “tây “ nhưng mà có lẽ Tây một cách thành thực “. Mà khi nói đến thành thực, người ta không có quyền bĩu môi . Một câu thơ thành thực có thể là một câu thơ hay rồi.
Xuân Diệu là người học trò của “ trường học “ mới. một người đã tìm nguồn sống ở đôi vú sữa phương Tây. Nếu thơ chàng ta có nhiễm một mầu tây phương, cũng không biết làm thế nào được kia mà ! Vì tài nghệ không cải tạo được tâm hồn, không thay đổi được sự thành thực. Chỉ có một cách là đổi ngay cái chất mầu ở dưới đất mới mong thay được sắc lá của sinh vật. Vì thi nhân không phải bao giờ cũng là anh thợ vườn có cái nghệ thuật kỳ dịệu. Thường thường thi nhân chỉ là một cái hoa bất ngờ nở ở bên đường .
Vậy một bông hoa đã nở , ta hãy chịu để cho nhà thơ ấy cứ trở nên là “ mình “- với tất cả cái bản sắc của mình. Và trước mắt ta đã thấy hiện ra một người Việt-Nam “Tây “ một cách táo bạo, “Tây” với tất cả tâm hồn, từ những tình cảm đến những hình ảnh và ý tưởng.
Bửa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em, em hỡi ! Anh nhớ em ..
Không gì buồn 
bằng những buổi chiều êm . 
Mà ánh sáng điều hòa cùng bóng tối . 
Gó lướt thướt kéo mình qua có rối ;
Vài miếng đêm u uất lẫn trong cành ;
Mây theo chim về dãy núi xa xanh ,
Từng đoàn lớn nhịp nhàng và lặng lẽ
Không gian xám tưởng sắp tan 
thành lệ.
Thôi hết rồi ! Còn chi nữa đâu em ! 
Thôi hết rồi! Gió gác với trăng thềm
Vói sương lá rụng trên đầu gần gũi ….
………………………………………
Anh một mình nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm 
Ở trong hồn hiu quạnh .
Anh nhớ tiếng ..Anh nhớ hồn.
Anh nhớ anh .
Anh nhớ em! Anh nhớ lắm em ơi ! 
( Tương tư chiều )

Khi người ấy yêu , thì thật là tha thiết , đắm say và .. ầm ĩ . Cũng là tình ái , nhưng đây không phải là tình ái lặng lẽ , thâm trầm , kín đáo . Ở đây tình ái lên như ngọn gió chiều . Yêu và bao giờ cũng sợ không đủ , không đủ ngày tháng , không đủ mê tơi ; tất cả cảm giác từ thị giác đến xúc giác đều cùng theo một tiếng gọi , núp dưới một lá cờ , cùng tiến lên một lúc và khắp trận tuyến để làm việc cho tình ái . 
Phải yêu với đôi mắt , với đôi môi , phải yêu với hơi thở với nụ cười …Phải kề đôi vai phải trộn lẫn hai đầu tóc , phải có những cái hôn nồng cháy , phải , phải ..
…….. Nhích lại , và đưa tay anh nắm .
Một khoảnh khắc đối với Xuân Diệu là ngắn lắm , và người ta muốn “ thoát” một cách vội vàng , muốn nói hết cả , trong một lúc . Vì thế , trong những vần thơ chật hẹp , người ta đã tràn ngập , đã đầy dẫy những “ mình “. Mà không những “ thoát “ một cách vội vàng , muốn nói hết cả trong một lúc . Vì thế , trong những vần thơ chật hẹp , người ta đã tràn ngập đã đầy dẫy những “ mình “ . Mà không những chỉ trong tình ái , ở đâu nhà thi sĩ ấy cũng muốn làm vang động và “ầm ĩ” cái “bản ngã “ của mình . Ở đâu chàng cũng tự trưng bày một cách sỗ sàng và quá thật thà ..
……Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây ,
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến 
……Đây là quán tha hồ muôn khách đến ;
Đây là bình thu hợp trí muôn hương ;
Đây là vườn , chim nhả hạt mười phương 
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc .
Đôi giếng mắt đã chứa trời vạn hộc , 
Đôi bờ tai nào ngăn cản thanh âm ,
Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm 
Của xanh thắm thấy luôn màu nói sẽ..
Tay ấp ngực dò xem chiều máu lệ .
Nghìn trái tim mang trong một trái tim .
( Cảm xúc )


….. Một tối bầu trời ám sắc mây ,
Cây tím nghiêng xuống nhánh hoa gầy ,
Hoa nghiêng xuống cỏ , trong khi cỏ 
Nghiêng xuống làn rêu . Một tối đầy 
Những lời huyền bí tỏa lên trăng ,
Những ý bao la ủ xuống trần 
Những tiếng ân tình hoa bảo gió 
Gió đào thỏ thẻ báo hoa xuân ….
( Với bàn tay ấy ) 
Những câu thơ anh vừa dẫn ra đó , có thể là những câu thơ hay và là những câu thơ mà các thiên tài Việt Nam từ xưa chưa hề tạo ra được. Trong những câu thơ ấy , ta vẫn thấy một cái gì mới lạ - khác hẳn với tâm hồn Việt Nam , một vái gì tha thiết lắm , nhưng mà vẫn như bao giờ cũng trống trải , bộc lộ , không phải là kết quả của một trí tượng thuần túy , đơn giản một trí tượng “ tổng hợp “ . Bao giờ ta cũng thấy chàng trẻ tuổi ấy chỉ là một người học trò quá thật thà của “ trường” thơ Tây , dẫu có lần chính chàng đã nói :
Ai đem phân chất một mùi hương 
Hay bán cầm ca ? Tôi chỉ thương ,
Chỉ để tình theo dòng cảm xúc 
Như thuyền ngư phủ lạc rong sương .
Mà chàng vẫn có cái khuynh hướng muốn phân chất như thường . Muốn nói cho nhiều và cho rõ , cho thật kỹ..Chàng muốn tinh vi , muốn tế nhị , muốn sáng tỏ , nhưng hãy coi chừng ! Chàng đã làm câu thơ thành một câu tán văn . Cái mà anh đã “hận “ nhất trong khi đọc thơ Xuân Diệu là sao khi người ta đã biết làm những câu thơ sau :
Say người như rưọu tối tân hôn ..
…….
Đã nghe rét mướt buồn trong gió 
Đã vắng người sang những chuyến đò …
Mà còn cho in những câu thơ bất thành như thế này :
Chân đi nặng như mang xiềng giam cấm 
Trong cũi to hồn không thể vượt lên…
……
Người là trăng , hỡi trăng đẹp bình yên ,
Hỡi trăng đẹp , người là trăng nao nức 
Nhớ thương luôn , nên mắt có quang viền …
…..
Lẫn với đời quay , tôi cứ đi 
Người ngoài không thấu giữa lòng si ..
…..
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi ,
Nhớ đôi môi đương cười ở phương trời …
Đấy là một ít câu thơ mà anh đã lượm ở vài bài nào của Xuân Diệu , chứ thực ra , những câu thơ khắc khổ , sống sượng như thế , đã chiếm một phần lớn của cuốn thơ . Cái bệnh nặng nhất củ thơ Xuân Diệu ấy là sự “nôm na “ ( prosaisme) và điều lầm to nhất của người ấy là đã làm cái tiếng của “thân mình “ thành cái tiếng của kẻ tục phàm . Trong tiếng nói của thân mình ít khi dung đến những chữ : Nên , nhưng , vì , của ..v..v..nhưng những trợ từ ấy thì Xuân Diệu phải xài đến luôn , vì bao giờ chàng cũng muốn rõ rệt và cho người ta hiểu mình hơn . Chàng đã lầm một cách tai ác ! . Thơ sở dĩ là thơ , bởi vì nó xúc tích , gọn gàng , lời ít và ý nhiều và nếu cần phải tối nghĩa mà tối nghĩa chỉ vì thi nhân không xuất diễn một cách trực tiếp : Lời nói thân yêu của thi nhân phải là hình ảnh . Ỏ đây , em thấy Victor Hugo….Lamartine phải kính cẩn ngã mủ trước những anh chàng thi sĩ say rượu kia là Lý Bạch và Omar Khayyam.. Và cái Tây phương bộc lộ kia sẽ hàm phục trước cái Đông phương hàm- dưỡng .
Omar Khay- yam nhà thi sĩ Ba Tư mà thế giới đều biết tiếng , là một nhà thông thái , một nhà kỷ-hà-học ngang hàng với Pascal, thế mà trong thơ của tiên sinh , không hề có dấu vết của luận lý , của khoa học . Trọn đời , tiên sinh chỉ làm 72 bài thơ mà , điều này mới lạ ! Toàn là những bài thơ tứ tuyệt ! Ngay những bài thơ hay nhất của Tàu phần nhiều cũng chỉ là những bài thơ “ tứ tuyệt “ . Có lẽ cái “hình thức” ấy rất thích hợp với cái tâm hồn “ tổng hợp “ của phương Đông.
Tuy vậy, nếu ta bắt một nhà thơ như Xuân Diệu, một người học trò trung thành của phương Tây , một người đầy ham muốn phải uốn mình trong một cái hình thức uyển chuyển và súc tích ấy thì thật là một điều thừa và cũng không thể nào được.
Em không nên đòi hỏi ở “con người phương Tây “ấy , một tâm hồn phương Đông và đồng thời lại đòi ở họ một tấm lòng thành thực. Nhưng em ạ ! Có một điều , đến phút cuối cùng này anh mới nhận ra là một người đã từng sống ở giữa những xóm dừa , ăn rau sắn , ngửi mùi lúa ngự , một người như thế , nhất đán có thể trở nên một người Tây phương được không?, một người phương Tây thành thực và trọn vẹn . ! 
Anh ,

Lưu Trọng Lư .
 

2 nhận xét:

  1. Chào người bạn phương xa,

    Mình đã tạm biệt blogspot, để trở về với trang web xây dựng từ những năm trước: nguyenthanhhien.freevnn.com
    Ở đó, tuy không có phần comment dưới mỗi bài viết. Nhưng bù lại, mình đã
    thiết kế ở đó một diễn đàn văn chương.
    Mời bạn tham gia diễn đàn này cho vui.
    Hy vọng gặp lại bạn nơi sân chơi ấy

    thân mến, nguyễn thanh hiện

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn anh NTH về những chia sẻ rất chân tình lâu nay( trên blog của NTH , blog CT...) Mình & bạn hữu sẽ ghé thăm trang web của anh ! Chúc thường an !

    Trả lờiXóa