Hiển thị các bài đăng có nhãn Tự do cổ đại và nhân phẩm thời đại. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tự do cổ đại và nhân phẩm thời đại. Hiển thị tất cả bài đăng

6/7/07

Tự do cổ đại và nhân phẩm thời đại

Điểm nóngChính trị Việt Nam

4.7.2007
Nguyễn Hữu Liêm

Tự do cổ đại và nhân phẩm thời đại

Nhìn lại chuyến công du của Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ hai tuần trước, từ gần đến xa, tôi xin đưa ra một vài nhận xét sau đây:

Thứ nhất, các đoàn thể, cá nhân đấu tranh, khi lên tiếng về chuyến đi lịch sử này, đã không còn cổ võ bạo lực, chiến tranh "phục quốc" hay "giải phóng" như mấy thập niên trước. Những người như Nguyễn Xuân Ngãi hay Đỗ Thành Công nay cũng đã chấp nhận và ủng hộ cho sự bang giao và thương mãi giữa Việt và Mỹ. Đảng Việt Tân, hậu thân của "Mặt trận Hoàng Cơ Minh", cũng đã công khai từ bỏ con đường bạo động. Dân tộc Việt đã bước qua một cánh cửa khác. Đây là một bước tiến lớn lao, một phúc lành cho dân tộc.

Thư hai, bất đồng chính trị đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau - ít nhất là trên phương diện thể thức. Càng ngày chúng ta thấy ngôn từ trong báo chí Việt ngữ ở California cũng đã tiến bộ nhiều. Các báo tuần như tờ Vtimes hay Việt Tribunes cũng đã xưng danh các nhân vật lãnh đạo Việt Nam một cách nghiêm chỉnh, đúng tiêu chuẩn báo chí. Báo Việt Weekly ở quận Cam còn có can đảm phỏng vấn ông Triết và bà Tôn Nữ Thị Ninh. Về phía nhà nước và chính phủ Việt Nam, có thể chính sách đối với Việt kiều vẫn còn bất cập, nhưng trên phương diện thể thức và ngôn ngữ, họ không còn dùng những từ ngữ của thời chiến tranh. Tuy nhiên, về phía báo chí Việt ngữ ở Mỹ thì vẫn còn có một hay hai tờ báo vẫn còn thứ ngôn ngữ quá khứ - ví dụ như ở San Jose có tờ Saigon USA vẫn còn tố cáo người khác là "Việt gian" mỗi khi không đồng ý với ai. Trong dòng tiến hoá chung, sẽ luôn luôn còn có một vài kẻ sót lại, thoái hoá và sẽ bị đào thải.

Vấn đề cơ bản là vậy. Việt Nam đang đứng trước một chọn lựa triết lý chính trị cho một thể loại tự do: "Tự do cho người đời nay" (liberties of the moderns) hay là "tự do cho người xưa" (liberties for the ancients) - theo sự phân biệt của Benjamin Constant. Người cộng sản Việt Nam vẫn còn mang lý tưởng tự do cổ đại, tức là một thứ tự do mà ưu tiên phải dành cho ổn định chính trị trên cơ bản quốc gia, phát triển kinh tế và dân sinh cho tầng lớp bất lợi nhất. Còn những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền thì theo mô thức tự do Tây phương hiện đại, nhấn mạnh đến tự do chính trị cá nhân, về tư tưởng, ngôn luận, và đảng phái. Cả hai phía đang phải nhường bước lẫn nhau. Phía cộng sản thì phải theo thời thế và không thể ôm chặt lấy mô thức cũ khi chính cán bộ của họ cũng đã dần dần ngả theo giá trị tự do của thời đại. Phía chống cộng, nhất là ở hải ngoại, thì không thể từ chối một thực tế chính trị của Việt Nam ngày nay. Phe đấu tranh dân chủ ở hải ngoại có giá trị nhưng không có thế lực chính trị. Đảng Cộng sản thì có thế lực công quyền và thực tế chính trị, cũng như vai trò lịch sử, nhưng biện minh cai trị của họ đang bị xói mòn theo từng ngày tháng chuyển động của thời thế, dân trí và ý thức đang lên của quần chúng. Cả hai phía đang ở trên cán cân cố gắng giữ sự quân bình thiết yếu.

Trong vòng vài thập niên tới, nếu không có gì bất thường xẩy ra, Việt Nam cũng như Trung Hoa, sẽ đi theo một mô hình chính trị "độc tài tư bản" để cũng cố lý tưởng tự do của người đời xưa. Trong đó, Đảng Cộng sản sẽ biến thái tiệm tiến để trở nên một guồng máy chính trị mà biện minh cai quản chỉ thuần về hiệu năng và quyền lợi kinh tế. Tự do cổ đại sẽ dần nhường bước cho tự do thời đại. Vì vậy, trong khoảng năm mười năm tới, Đảng Cộng sản sẽ đóng vai trò của vỏ trứng gà, giữ chức năng nuôi dưỡng tiềm năng tự do thời nay cho dân tộc bằng sự giới hạn cơ chế và khắt khe chính trị - và lòng trứng dân chủ sẽ tiếp tục phát triển theo nhiệt lượng của ý thức và thời thế để trưởng thành. Đến khi con gà con bên trong đủ lông, đủ cánh, thì vỏ trứng cũng sẽ mỏng dần và con gà sẽ tự nó mổ vỡ vỏ trứng giới hạn để vùng ra với không gian bao la. Nếu vỏ trứng gà này vỡ sớm quá, lòng trứng sẽ bị chết non và ung thối. Thành ra, điều nghịch lý nằm ở chỗ rằng Đảng Cộng sản hiện nay đang là một cơ chế chính trị thiết yếu cho Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp, và là một đồng minh không thể thay thế cho phía đối trọng trong tiến trình chuyển hoá từ mô thức tự do của người xưa sang tự do cho người đời nay.

Trong lịch sử cận đại, trên cơ bản nhân văn và con người, Việt Nam chưa và không có khả năng tự tiến hoá nếu không có thiết yếu tính của văn minh Tây phương nâng lên và xô đẩy. Nhìn lại giai đoạn ô nhục dưới quyền của thực dân Pháp, chúng ta phải có can đảm để thừa nhận rằng, dù là bất công hay tàn ác, người Pháp cũng đã đóng một vai trò thúc đẩy tiến hoá lớn cho dân tộc. Chuyện ngày hôm nay ở Hoa Kỳ cũng vậy. Nếu cứ để cho người Việt mình sống và sinh hoạt, cai quản độc lập thì văn hoá và chính trị cộng đồng cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Chính thế hệ người Việt trẻ vốn được thấm nhuần văn hoá Tây phương ngày nay đang cầm ngọn đuốc tiến bộ cho cộng đồng. Từ thế hệ được Mỹ hoá, người Việt ý thức được giá trị nhân phẩm trong cung cách đối xử lẫn nhau. Đây là một giá trị văn minh tối thiểu để chúng ta tiến hoá.

Trở lại nền báo chí Việt ngữ ở California, mười năm trước, tờ Việt Mercury ở San Jose đã mở ra một tiêu chuẩn ngôn ngữ chuyên nghiệp và tư cách báo chí có nhân phẩm. Đây là tờ báo của "chủ Mỹ" và điều hành bởi nhân viên Việt Nam. Chủ nhiệm Trần Đệ là một ký giả chính dòng của báo chí Mỹ, có khả năng và tư cách, tinh thần can đảm để giới thiệu một thể loại ngôn ngữ mới cho báo chí cộng đồng. Ví dụ gọi tên nước Việt Nam - thay vì "cộng sản Việt Nam", hay là Thành phố Hồ Chí Minh, một tên gọi hành chính, thay vì là Sài Gòn, một địa danh. Và trên các trang báo của Việt Mercury hay hậu thân là Vtimes, đã không có tình trạng các bài viết quảng cáo thương mãi trá hình tin tức hay bình luận. Việt Mercury là báo của "người Mỹ" nên được cộng đồng người Việt dần dần chấp nhận làm tiêu chuẩn. Nay thì Việt Mercury đã không còn, nhưng di sản chuyên môn này đang trải ra cho người Việt ở Hoa Kỳ. Tờ Việt Tribune của Nguyễn Xuân Hoàng, nguyên tổng thư ký của Việt Mercury, cũng xứng đáng trong giá trị báo chí chuyên môn hiện nay ở San Jose. Người làm báo phải nuôi dưỡng được một thể loại báo chí có nhân cách - journalism with dignity - còn không, thì chúng ta vẫn cứ ôm nhau vật lộn trong vũng bùn chậm tiến của thế hệ trước.

Nhìn xuống quận Cam, California, tờ Việt Weekly của các anh em trẻ hơn, thuộc thế hệ mới, cũng đang cố gắng vươn lên ra khỏi cái vũng lầy báo chí của thời "Việt Nam Cộng hoà (VNCH) nối dài". Tuy nhiên, vấn đề của Việt Weekly là họ có can đảm, nhưng chưa có đủ khả năng chuyên nghiệp. Các anh em trẻ chủ trương tờ báo này vẫn còn ở trình độ "báo chợ" của thể loại tabloids như là mấy tờ báo bình dân trong các cửa hàng tạp hoá người Mỹ. Trong khi các tờ báo lớn khác như Người Việt hay Việt Báo thì vẫn còn đắm chìm trong ngôn từ và văn hoá "VNCH nối dài", vì họ vẫn gồm các tay viết "cổ đại" từ thời Đệ nhất Cộng hoà kéo dài cho đến hôm nay. Hay là chúng ta hãy nhìn qua đài Radio Free Asia (RFA), với chủ là Mỹ, nên ngôn ngữ và cách loan tin cũng tiến bộ ít nhiều. Ta thử hỏi, nếu để RFA riêng cho mấy nhân vật VNCH nối dài thì không biết là thứ ngôn ngữ "nhân dân tự vệ" của đài phát thanh Quân đội miền Nam hồi thập niên 1960 sẽ còn kéo dài ở đó đến bao lâu? Không lẽ chúng ta sẽ không tiến bộ được nếu chúng ta không là thợ làm công cho chủ Mỹ?

Cũng như thế khi nhìn về phong trào dân chủ cho Việt Nam. Một số nhân vật tranh đấu được nổi danh khi họ được hai thứ "ơn huệ". Một là khi họ "được" bị bắt bỏ tù bởi chính quyền Việt Nam; hai là khi họ được chính phủ Mỹ công nhận. Một bên là tác dụng tiêu cực của bắt bớ biến thành vốn liếng chính trị; bên kia là hình thức xã giao trở nên biện minh quan yếu nhất cho cá nhân và tổ chức. Cả hai phía, Việt Nam và Hoa Kỳ, mỗi bên một cách, đang thúc đẩy phong trào dân chủ tiến tới. Không gì cổ võ cho phong trào dân chủ ở hải ngoại bằng hình ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước toà. Dù với lý do nào để biện hộ hay xách động, bức hình này là biểu tượng cho tình trạng chính trị ở Việt Nam hiện nay. Mỗi giai đoạn thời thế có một bức hình của nó. Các đoàn thể chính trị chống cộng hải ngoại phải cám ơn phiên toà của cha Lý. Chuyến đi của ông Triết đến Mỹ cũng là cơ hội bằng vàng để cho phong trào chống cộng có mục tiêu. Nhưng nếu không có sự nhúng tay của chính quyền Bush bằng các buổi gặp mặt công khai với các nhân vật chống cộng ở hải ngoại thì nỗi giận dữ từ sự đàn áp dân chủ gần đây ở trong nước cũng sẽ không đi đến đâu.

Mâu thuẫn chính trị nội bộ của các dân tộc chậm tiến, mà Việt Nam là một, khó có thể vượt qua nếu không có một bàn tay "cao hơn" nâng họ lên và kéo họ lại gần với nhau. Biết đâu trong sự khúm núm của các nhân vật đấu tranh người Việt trước mặt các ông bà chủ Mỹ thì những khác biệt của họ sẽ được bỏ qua. Nhân phẩm tự do cho người Việt, ngay ở thời buổi này, cũng cần có đến một sự ban bố. Ở trong nước thì ý thức thời đại trong văn minh Tây phương sẽ đem nhân phẩm cho dân tộc; ở hải ngoại, thì bàn tay xoa tóc của Bush và Cheney sẽ ban cho phía chống cộng một giá trị chính thống. Đằng nào, cho đến khi người Việt có thể giải quyết chuyện khác biệt bằng chính họ trong nhân phẩm và biết tôn trọng lẫn nhau, ngày đó, tự do vẫn còn là chuyện phải đi tìm.

© 2007 talawas